Mua dầu Nga, Ấn Độ đã cứu châu Âu khỏi một bàn thua trông thấy
Khi Nga bị phương Tây cô lập, Ấn Độ nhiều lần khẳng định sẽ không quay lưng với dầu Nga vì lợi ích quốc gia. Thế nhưng, việc làm của Ấn Độ đã mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia khác, bao gồm cả các nước châu Âu.
Thời gian qua, Ấn Độ rất năng nổ trên các diễn đàn quốc tế nhằm thể hiện vai trò là một quốc gia có trách nhiệm. Bên cạnh đó, New Delhi cũng đang nỗ lực duy trì mối quan hệ “không mất lòng ai”. Tuy nhiên, Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi không vì thế mà lựa chọn quay lưng với dầu Nga, mặt hàng được mô tả là cứu cánh cho nền kinh tế đông dân nhất thế giới.
Ấn Độ bắt đầu tăng cường nhập khẩu dầu Nga từ tháng 4/2022, chỉ 2 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong năm tính đến tháng 3/2023, Ấn Độ nhập trung bình 1,02 triệu thùng dầu thô của Nga/ngày. Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ xác nhận con số này lớn gấp 11 lần so với năm trước và chiếm khoảng 20% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ.
Và nhờ vậy, Nga trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Ấn Độ từ vị trí thứ 10 của năm trước đó. Sau Nga là Iraq với 1,01 triệu thùng và Ả rập Xê út bán 790.000 thùng. Với một quốc gia mà 80% lượng dầu thô được nhập khẩu như Ấn Độ, việc tăng cường nhập dầu thô của Nga mang lại những lợi ích không phải bàn cãi.
Lợi ích đầu tiên là kiềm chế lạm phát, tiếp sau đó là cải thiện cán cân thương mại và cuối cùng là đa dạng hóa nguồn cung. Về lạm phát, Ấn Độ mua dầu Nga với giá trung bình 83 USD/thùng trong năm tài khóa 2022, thấp hơn so với 90 USD/thùng từ Iraq và 100 USD/thùng từ Ả rập Xê út.
Trong khi đó, cán cân thương mại của Ấn Độ cũng được hỗ trợ bởi sự gia tăng doanh số bán các sản phẩm dầu mỏ của Ấn Độ ở nước ngoài. Khi giá dầu tăng trên quy mô toàn cầu, việc nhập khẩu năng lượng với giá tương đối rẻ của Nga đã giúp Ấn Độ thu được lợi ích từ việc mở rộng biên độ giá giữa nhập khẩu đầu thô và xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ.
Cuối cùng, Ấn Độ đã thành công trong việc đa dạng hóa nguồn cung.
Thoạt nhìn, chính sách “Ấn Độ là trên hết” của ông Modi dường như cũng có lợi ích cho Nga trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, một nghiên cứu chuyên sâu với các số liệu thương mại cho thấy động thái của Ấn Độ mang lại lợi ích cho rất nhiều nước khác, bao gồm cả các quốc gia châu Âu.
Trong khi Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu từ Nga, lượng dầu mà nước này mua của các quốc gia khác giảm xuống. Chính điều này tạo ra sự dồi dào trên thị trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu, nhất là khi nhóm này lựa chọn quay lưng với dầu Nga.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tinh chế một phần không nhỏ trong số dầu nhập khẩu của Nga thành các thành phẩm để bán cho những nước tham gia cấm vận dầu Nga. Quá trình này được một số chuyên gia nửa đùa nửa thật gọi là “rửa dầu”.
Các lô hàng xăng từ Ấn Độ đến Hà Lan đã tăng 70% trong năm tài khóa 2022. Các sản thành phẩm từ Ấn Độ đã giúp châu Âu giải cơn khát trong khi quốc gia này vươn lên trở thành nhà xuất khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới. Các chế phẩm từ dầu thô cũng trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ.
Ở Ấn Độ, giá xăng dầu thường được nhà nước kiểm soát. Chính vì thế, các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực lọc hóa đầu ở Ấn Độ hướng tới các thị trường nước ngoài là chủ yếu. Tuy nhiên, Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong cái gọi là “cơ chế điều chỉnh linh hoạt” của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Xung đột ở Ukraine đã trở thành thuốc thử cho chuỗi cung ứng xăng dầu toàn cầu. Theo Nikkei , Mỹ và phương Tây có lẽ không lạ lẫm việc Ấn Độ nhập dầu thô Nga sau đó bán thành phẩm sang châu Âu. Tuy nhiên, mối lo ngại giá dầu lên tới 200 USD/thùng đã ngăn các biện pháp trừng phạt quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này cũng cho thấy vị thế quan trọng của Ấn Độ trong việc đảm bảo thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể hoạt động ổn định.
Cả G7 và EU đều không thừa nhận vai trò của Ấn Độ trong việc ổn định giá cả. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò của Ấn Độ trong việc ngăn chặn khủng hoảng năng lượng, yếu tố có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ấn Độ có thể không muốn đóng vai trò đó nhưng tác động từ những quyết định của Ấn Độ đã khẳng định tầm ảnh hưởng của quốc gia này. Và cái gọi là “quyền tự chủ chiến lược” của Ấn Độ có vẻ đang dần trở thành hiện thực.
Disclaimer: The content above represents only the views of the author or guest. It does not represent any views or positions of FOLLOWME and does not mean that FOLLOWME agrees with its statement or description, nor does it constitute any investment advice. For all actions taken by visitors based on information provided by the FOLLOWME community, the community does not assume any form of liability unless otherwise expressly promised in writing.
FOLLOWME Trading Community Website: https://www.followme.com
Hot
No comment on record. Start new comment.