Đọc thêm:
- FED là gì? Ảnh hưởng của FED đến thị trường chứng khoán, forex
- Chỉ số PMI là gì? Cách tính chỉ số PMI Việt Nam đơn giản
1. Vai trò của dầu thô với kinh tế thế giới
1.1 Giá dầu thô
Dầu thô (Oil) là một trong những loại nguyên liệu quan trọng nhất đối với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Dầu thô được coi là là đầu vào quan trọng cho sản xuất. Điều này dẫn đến hiện tượng là khi giá dầu thay đổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của nhiều quốc gia, toàn bộ nền kinh tế thế giới bị biến động. Đó cũng là nguyên nhân mà Tổ chức Các quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC mặc dù bao gồm các nền kinh tế không lớn nhưng lại có tầm ảnh hưởng trên các diễn đàn thế giới.
Với vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế, dầu thô được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức đầu cơ. Hai hình thức đầu tư dầu thô phổ biến nhất là giao dịch hợp đồng tương lai và quyền chọn. Đây cũng là hàng hóa được giao dịch phổ biến trên hầu hết sàn giao dịch.
Trên phương diện đầu cơ này, dầu thô và vàng là 2 hàng hoá bổ sung cho nhau, có xu hướng biến động giá cùng chiều và là 2 mặt hàng đầu cơ được yêu thích nhất. Đặc biệt là vào thời điểm kinh tế phát triển không ổn định, các nhà đầu tư càng tăng cường đầu tư vào vàng và dầu để bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên, vai trò của dầu với tư cách là hàng hoá còn lớn hơn cả vai trò là hàng hoá để đầu cơ – điều này khác với vàng.
Tựu chung lại, giá dầu và giá vàng có xu hướng biến động cùng chiều khi kinh tế phát triển bình thường . Nhưng giá dầu có thể thoát ly khỏi giá vàng khi kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng dẫn tới nhu cầu về dầu với tư cách đầu vào cho sản xuất bị giảm sút quá mạnh, còn nhu cầu đầu tư vàng như một loại tài sản trú ẩn lại tăng vọt.
Không chỉ có mối quan hệ với vàng, diễn biến của giá dầu thô còn có quan hệ chặt chẽ với tỷ giá hối đoái của đồng USD.
Giá dầu thô có quy luật biến động không?
Giá dầu thô được diễn biến theo mùa. Thông thường giá dầu sẽ tăng trước mùa đông. Lý do là vì các quốc gia ở Bắc bán cầu sẽ phải tăng lượng dự trữ nhiên liệu nên họ sẽ tăng thêm chi tiêu cho dầu thô và các sản phẩm của dầu thô để có đủ năng lượng sưởi ấm cho mùa đông. Khi đó, lượng cầu dầu thô trên quy mô toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng và đẩy giá dầu đi lên.
Chính sách của các tổ chức quốc tế cũng có khả năng gây ảnh hưởng tới giá dầu, điển hình như việc OPEC thông qua việc áp đặt hạn ngạch khai thác dầu mỏ đối với các quốc gia thành viên trong trường hợp giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh. Một quyết định chung về việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu hàng ngày đối với các quốc gia thành viên có thể góp phần chặn bớt đà đi xuống của giá dầu thô trên thị trường.
Xem thêm:
- Quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường
- Cung cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu
1.2 Ảnh hưởng của giá dầu tới nền kinh tế thế giới
Giá dầu thô đã tăng tới hơn 10 lần từ năm 1997 đến năm 2007 và lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 USD một thùng năm 2007. Nền kinh tế Mỹ – với vai trò là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã chịu ảnh hưởng cực lớn từ việc giá dầu tăng nhanh.
Khi giá dầu tăng, giá các loại nhiên liệu chính được chế xuất từ dầu thô cũng tăng lên. Trong khi đó, ai cũng biết rằng nhiên liệu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng nhất của nhiều ngành kinh tế.
Việc một quốc gia phải tăng khoản chi trả cho xăng dầu và các loại nhiên liệu khác thì sẽ khiến ngân sách chi tiêu vào hàng hóa và dịch vụ sẽ ít đi, đồng thời giá thành sản xuất các sản phẩm trong nước cũng tăng lên, doanh thu của các nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế mà nó còn khiến quốc gia đó giảm sức cạnh tranh xuất khẩu…
Giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng tăng theo giá dầu, bởi chi phí vận chuyển tăng. Việc tăng giá bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng làm cho giảm nhu cầu mua các loại hàng hóa mà các doanh nghiệp sản xuất ra.
Giá nhiên liệu tăng đồng thời khiến các nhà xuất khẩu buộc phải tăng giá thành hàng hóa bán cho nước ngoài, làm giảm khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm:
- Chiến lược giao dịch XAUUSD hiệu quả
- Mối quan hệ giữa USD và Vàng như thế nào?
- Nên đầu tư vào vàng hay USD để sinh lời hấp dẫn hơn?
Vậy các quốc gia nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến động giá dầu?
Giá dầu thô biến động gây ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia xuất khẩu dầu với tỷ trọng lớn. Không chỉ vậy, tất cả các nền kinh tế hiện đại, trong đó bao gồm cả nước Mỹ ‒ nền kinh tế lớn nhất thế giới – cũng bị tác động mạnh nhất bởi tình trạng này. Chính vì thế, khi tham gia thị trường Ngoại hối, hầu hết các nhà đầu tư đều đặt mối quan tâm hàng đầu tới giá dầu cũng như tình hình kinh tế Mỹ.
Tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay, 9 trên 10 lần suy thoái kinh tế Mỹ đều được đặc trưng bởi tình trạng giá dầu thô tăng cao. Như vậy đã đủ để minh họa ảnh hưởng của thứ “vàng đen” này tới đến nền kinh tế Mỹ. Có thể nói, giá dầu có ảnh hưởng cực kỳ lớn tới nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
2. Quan hệ giữa giá dầu thô và đồng USD
2.1 Mối quan hệ ngược chiều giữa Dầu thô và USD
Như đã nói ở trên, dầu là nguồn đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất. Dây chuyền lên toàn bộ nền kinh tế thế giới dễ dàng bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự biến động của giá dầu mỏ. Do đó, muốn nền kinh tế phát triển ổn định, các nước có nền kinh tế lớn như Nga, Mỹ… đều hướng tới việc xây dựng các kho dự trữ dầu mỏ và tăng cường dự trữ vàng vì chúng là hai loại hàng hóa không bị mất giá trị.
Tuy nhiên, vai trò hàng hóa của dầu mỏ lớn hơn hàng hóa tích trữ. Lịch sử cho thấy giá dầu thô và đồng USD có biến động ngược chiều, có mối tương quan nghịch. Điều này có thể hiểu là khi giá dầu mỏ tăng thì tiền USD giảm giá trị, trong khi đó, giá vàng lại tăng theo giá dầu. Nguyên do là vì các nước có xu hướng nhập vàng về tích trữ, do đó nhu cầu vàng trên thế giới sẽ tăng và kéo theo sự tăng giá của vàng.
Giá thùng dầu thường tính theo giá trị của đồng đô la Mỹ (USD) trên toàn thế giới. Khi đồng USD mạnh, bạn sẽ chi ít tiền để mua một thùng dầu và ngược lại, bạn sẽ phải cần nhiều USD để mua hơn khi đồng đô la Mỹ yếu.
Bạn có thể quan sát những thay đổi của chỉ số đồng USD so sánh với thay đổi của giá dầu thô (theo dữ liệu từ hãng tin www.briefing.com)
Bên cạnh đó, Mỹ là nhà nhập khẩu dầu nhiều nhất trên thế giới, xuyên suốt lịch sử nhập khẩu dầu của Mỹ, việc giá dầu tăng khiến thâm hụt cán cân thương mại của nước Mỹ cũng tăng lên. Lý do là quốc gia này sẽ phải trả nhiều USD hơn cho mỗi thùng dầu.
2.2 Mối quan hệ giữa Dầu thô và USD đang có nhiều sự thay đổi
Hiện tại sự đột phá về công nghệ khoan đã phá vỡ hiện trạng thị trường dầu mỏ.
Do công nghệ khoan khai thác dầu càng ngày càng phát triển, đặc biệt là công nghệ khai thác fracking (công nghệ nứt vỡ thủy lực) nên lượng dầu được Mỹ khai thác cũng tăng đáng kể. Lượng dầu xuất khẩu của Mỹ đang dần tăng lên và lượng nhập khẩu dầu giảm đi.
Năm 2011, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba sau Ả Rập Saudi và Nga. Hiện nay, Mỹ đang tự túc khoảng 90% tổng mức tiêu thụ năng lượng – theo số liệu của Cơ quan Thông tin và Quản lý Năng lượng (EIA). Điều này phản ánh vai trò của đất nước này trong ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu.
Như vậy, theo chiều hướng phát triển dài hạn, giá dầu tăng cao sẽ mất dần sức ảnh hưởng tới đồng USD. Hàng hóa này sẽ khó có thể làm thâm hụt thương mại của Mỹ bởi nước này sẽ không phải mất quá nhiều USD để mua dầu như trước.
Có thể nói, mối quan hệ đối nghịch giữa giá dầu và USD đang dần bị đảo lộn, điều này khiến cho giá dầu và đồng đô la Mỹ trở nên bất ổn hơn.
Mức sản xuất dầu của Mỹ này có ảnh hưởng lớn đối với giá dầu toàn cầu, trước đó là Ả Rập Saudi. Thậm chí, trong thời gian tới, Mỹ còn tính tới việc sẽ bắt đầu giao dịch dầu giống như một loại tiền điện tử. Một khi quốc gia này tiếp tục tăng tỷ trọng xuất khẩu dầu so với nhập khẩu thì doanh thu từ dầu sẽ dần dần chiếm được vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ và đồng đô la Mỹ có thể bắt đầu thực thi như một loại tiền dầu điện tử.
3. Mối quan hệ ngược chiều giữa Dầu thô và USD trong khủng hoảng kinh tế 2020
Năm 2020 là năm chứng kiến nhiều biến động trong nền kinh tế do đại dịch covid-19 gây ra. Khởi đầu là việc giá dầu giảm mạnh trong thời gian dài khiến các thị trường cũng như các nền kinh tế trở nên bất ổn.
Trong tình hình suy thoái như vậy, hoạt động sản xuất – kinh doanh bị thu hẹp khiến nhu cầu về dầu với tư cách là một hàng hóa (nhiên liệu) bị giảm sút quá mạnh. Trong khi đó, dù đã cắt giảm sản lượng nhưng các nước sản xuất dầu vẫn phải sản xuất, vì họ phụ thuộc nặng vào nguồn thu từ dầu. Điều này làm cho giá dầu giảm trong một thời gian dài, thậm chí có thời điểm giá dầu ở ngưỡng dưới 0.
Trong bối cảnh giá dầu sụt giảm mạnh, đồng đô la Mỹ (USD) lại đang có xu hướng nhích lên và giá vàng chững lại.
3.1 Diễn biến giá dầu thô và USD trong khủng hoảng do Covid-19 gây ra
Giá dầu thô WTI giao tháng 5 giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử trong phiên giao dịch ngày 20/4/2020, và chốt phiên ở mức -37.63 USD/thùng. Kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983 thì đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này. Phiên này cũng cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp chưa từng thấy. Giá dầu Mỹ giảm kéo theo giá dầu khác như dầu Brent ở thị trường Châu Âu, Trung Đông và Châu Á có giảm, nhưng mức giảm không mạnh, vẫn ở mức 21-23 USD/thùng.
Chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu xuống thấp kỷ lục, đầu phiên giao dịch ngày 21/4/2020 (giờ Việt Nam), tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh trên thị trường ngoại hối. Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 99.88 điểm, tăng 0.1% so với mức của phiên trước đó. Trong khi đó, giá vàng trên thế giới giảm nhẹ khoảng 2 USD/ounce so với chốt phiên trước 20/4, dao động quanh ngưỡng 1,689 USD/ounce.
Việc đồng USD đang tăng mạnh gây áp lực cho giá dầu thô, góp phần khiến giá dầu giảm sâu. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng dầu giảm, cung đang vượt cầu. Trong khi đó, các nơi dự trữ dầu đã không còn sức chứa khiến việc đầu cơ dự trữ dầu cũng trở nên khó khăn. Điều này khiến các nhà đầu tư trở nên quan ngại khi đầu tư vào hàng hóa này.
3.2 Đồng đô la Mỹ sẽ ở mức phân hóa khi giá dầu giảm
Giá dầu giảm chứng tỏ rằng tình hình dịch bệnh kéo theo rất nhiều bất ổn, nhất là ở thị trường Mỹ. Điều này cũng khiến cho giá vàng có xu hướng bị nhích lên.
Trong khi đó, giá đô la Mỹ đang ở mức phân hóa. Những nhà đầu tư quan tâm đến tài sản an toàn thì sẽ mua vào đồng USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư quan ngại tình hình kinh tế Mỹ thì lại khiến cho đồng đô la Mỹ bị mất giá. Chính thái độ phân hóa trên thị trường này khiến cho vào thời điểm đó, đồng đô la Mỹ sẽ chỉ đi ngang hoặc nhích nhẹ chứ không tăng đáng kể.
Xem thêm:
- Kế sách quản trị rủi ro tài chính hiệu quả
- Đồng bảng Anh đứng trước nguy cơ suy yếu dài hạn khi PMI cho thấy dữ liệu xấu
- Dữ liệu Flash PMI báo hiệu rủi ro suy thoái và cuộc họp của SNB
Lời kết
Nhìn chung, giá dầu thô và đồng USD có mối quan hệ nghịch chiều với nhau. Khi giá dầu tăng đột biến, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khiến đồng USD yếu đi. Tuy nhiên, mối liên hệ này đang dần yếu đi theo đà phát triển công nghệ khai thác của Mỹ. Do đó, khi xem xét giá dầu thô và đồng USD, bạn nên cân nhắc thêm các thông tin khác về nền kinh tế thế giới. Nếu có bất cứ thắc mắc gì, vui lòng để lại bình luận dưới đây.
Hãy theo dõi VnRebates để cập nhật thêm những kiến thức Forex, Tiền điện tử, Chứng khoán mới nhất. Chúc các bạn giao dịch thành công!
VnRebates – Hoàn phí mọi giao dịch tài chính
Hot
-THE END-